Nếu bạn mới chỉ đặt chân đến Canada, tìm được công việc trong lĩnh vực chuyên môn của bản thân sẽ là một cột mốc hết sức quan trọng. Việc tìm được một công việc phù hợp sẽ khiến bạn cảm thấy mình đang bắt đầu ổn định cuộc sống tại đất nước mới, và điều này cũng đảm bảo ổn định tài chính của bạn và giúp bạn trang trải chi phí sinh hoạt tại Canada.
Tuy vậy, việc tìm kiếm công việc đầu tiên với tư cách là một người mới nhập cư không phải là dễ dàng. Đầu tiên, những người nhập cư mới sẽ ở trong tình trạng bất lợi vì phần lớn các cơ hội việc làm ở Canada có được thông qua sự giới thiệu từ các mối quan hệ, và những người nhập cư mới thường chưa có mạng lưới hoặc kết nối trong công việc để giúp họ kiếm được việc làm. Thứ hai, bạn sẽ bước vào một môi trường làm việc hoàn toàn khác, và văn hóa công sở cũng như các kỹ năng cần thiết cho công việc có thể sẽ khác với những gì bạn đã quen thuộc ở Việt Nam. Và thậm chí nhiều nhà tuyển dụng Canada sẽ ưu tiên thuê những ứng viên có sẵn kinh nghiệm làm việc tại Canada.
Việc bị từ chối liên tục có thể làm giảm sự tự tin và niềm tin của bạn về việc tìm được việc làm tại Canada. Tệ hơn là các ứng viên thường phải đợi chờ trong vô vọng, bởi vì nhiều nhà tuyển dụng chỉ thông báo cho các ứng viên đã được chọn cho bước tiếp theo, chứ không báo cho những ai đã bị từ chối. Tuy nhiên, bạn không nên để việc bị từ chối làm chậm bạn trong quá trình tìm việc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những cách để người nhập cư có thể đối phó với chuyện bị từ chối khi xin việc tại Canada.
8 lý do tại sao người nhập cư mới có thể bị từ chối việc làm tại Canada
Hầu hết những người nhập cư đều trải qua một số lần bị từ chối khi xin việc tại Canada, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu. Khi bạn đã quen với thị trường việc làm và văn hóa làm việc của Canada, bạn có thể có cơ hội tốt hơn để tìm được việc làm. Dưới đây là một số lý do tại sao người nhập cư mới đến bị từ chối công việc tại Canada:
1. Sơ yếu lý lịch của bạn đã không vượt qua hệ thống ATS
Nhiều công ty Canada sử dụng Hệ thống Theo dõi Ứng viên (Applicant Tracking System – ATS) để chọn lọc sơ yếu lý lịch phù hợp nhất với phần mô tả công việc. Để sơ yếu lý lịch của bạn vượt qua ATS, nó phải có định dạng kiểu Canada mà phần mềm này có thể dễ dàng đọc được. Thêm nữa là bạn phải bao gồm các từ khóa liên quan từ mô tả công việc trong sơ yếu lý lịch của bạn. Những người mới đến thường không quen với sơ yếu lý lịch kiểu Canada và do đó, sơ yếu lý lịch của họ có thể không đến được tay những người quản lý tuyển dụng để xem xét, ngay cả khi họ có tất cả các kỹ năng và phẩm chất cần thiết.
2. Bạn không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc nào tại Canada
Việc có kinh nghiệm làm việc tại Canada trên sơ yếu lý lịch sẽ cho các nhà tuyển dụng thấy rằng bạn đã quen thuộc với văn hóa và môi trường chuyên nghiệp tại Canada. Đây cũng có thể được xem là bằng chứng về việc bạn có các kỹ năng phù hợp trong lĩnh vực của mình, hoặc ít nhất là các kỹ năng có thể áp dụng được cho vai trò mà bạn đang được cân nhắc. Mặc dù có thể bạn đang tìm kiếm công việc toàn thời gian của mình tại Canada, bạn cũng có thể xây dựng kinh nghiệm làm việc tại Canada thông qua hoạt động tình nguyện, các công việc bán thời gian, công việc kiếm sống và thực tập.
3. Nhà tuyển dụng đã tìm thấy một ứng viên tốt hơn
Việc bị từ chối không phải lúc nào cũng là do bạn. Đôi khi là bất chấp những nỗ lực của bạn, người phỏng vấn có thể đã tìm thấy một ứng viên khác ấn tượng hơn. Có thể ứng viên khác có kinh nghiệm liên quan hơn hoặc phù hợp hơn với văn hóa của công ty. Dù lý do là gì, bạn không thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc mức độ phù hợp với công việc của ứng viên khác. Bạn chỉ có thể thể hiện khả năng của mình và cố gắng định vị bản thân theo hướng tích cực hơn.
4. Bạn đã không làm nổi bật các kỹ năng và thành tích của mình
Bạn biết rằng bạn là một ứng viên tuyệt vời cho công việc nhưng bằng cách nào đó bạn vẫn bị từ chối. Đây là lúc bạn nên tự hỏi liệu bạn có thể truyền đạt rõ ràng các kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm của mình một cách đủ thuyết phục hay không. Nếu bạn không thể truyền đạt rõ ràng những điểm mạnh và lý do tại sao nhà tuyển dụng nên thuê bạn, thì nhà tuyển dụng có thể sẽ tìm người khác cho vai trò này.
5. Bạn không tỏ ra nhiệt tình hoặc tự tin
Một trong những yếu tố mà người phỏng vấn tính đến khi đưa ra quyết định tuyển dụng là mức độ tự tin của ứng viên. Nếu bạn là một người nhập cư mới, việc cảm thấy lo lắng trong các cuộc phỏng vấn tại Canada là hết sức bình thường, nhưng một nhà tuyển dụng có thể coi sự lo lắng này là thiếu tự tin. Họ cũng có thể xem xét mức độ quan tâm của bạn đối với vị trí, đánh giá dựa trên ngôn ngữ cơ thể của bạn, mức độ hiểu biết của bạn về công ty và các câu hỏi bạn đặt ra cho người phỏng vấn. Thật không may, ngay cả khi bạn thực sự quan tâm đến công việc và khá chắc chắn về khả năng của mình, thông điệp đó có thể không được truyền đạt đúng—đặc biệt nếu bạn vô tình để lại ấn tượng không tốt thông qua ngôn ngữ cơ thể của mình.
6. Bạn không phù hợp với văn hóa công ty
Hầu hết các nhà tuyển dụng Canada muốn thuê một ứng viên không chỉ giỏi công việc mà còn phù hợp với văn hóa công ty hiện có. Trên thực tế, một số nhà tuyển dụng thậm chí ưu tiên sự phù hợp về văn hóa hơn là kỹ năng chuyên môn, vì tính cách của ứng viên đóng một vai trò lớn trong việc xác định liệu họ có thích nghi và sẵn sàng học hỏi kỹ năng mới hay không. Hầu hết các quy trình tuyển dụng tại Canada bao gồm một cuộc phỏng vấn liên quan đến mức độ phù hợp về văn hóa công ty, và nếu bạn không phù hợp với văn hóa công ty, bạn có thể sẽ không được coi là một ứng viên nổi bật cho công việc đó.
7. Bạn yêu cầu quá nhiều hoặc quá ít tiền
Thương lượng mức lương trong cuộc phỏng vấn có thể sẽ khó khăn, đặc biệt nếu bạn không quen với thị trường việc làm của Canada. Bạn nên nghiên cứu về các mức lương dự kiến và tiêu chuẩn mức lương trong lĩnh vực của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, các công ty đã có sẵn ngân sách cho từng vị trí, vì vậy yêu cầu mức lương quá cao có thể là một trở ngại, ngay cả khi nhà tuyển dụng rất thích bạn. Tương tự, yêu cầu quá ít tiền cũng có thể là một “red flag” đối với các nhà tuyển dụng, vì điều đó có nghĩa là bạn chưa nghiên cứu về khung lương hoặc bạn không đủ tự tin để yêu cầu mức lương cao hơn. Hãy nhớ rằng, tại Canada, nhiều nhà tuyển dụng cung cấp các lợi ích khác ngoài tiền lương, vì vậy hãy đảm bảo bạn đánh giá toàn diện các phúc lợi của công ty trước khi chấp nhận lời mời làm việc.
8. Công ty quyết định ngưng tuyển dụng cho vị trí này
Đôi khi các công ty có thể tạm dừng kế hoạch tuyển dụng của họ vì nhiều lý do khác nhau, từ cắt giảm ngân sách cho đến thu hẹp quy mô, hoặc thậm chí thay đổi mục tiêu kinh doanh. Mặc dù bạn có thể mất động lực khi biết rằng vị trí bạn tham gia phỏng vấn đã không còn tồn tại, nhưng việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Hãy nhớ rằng việc tuyển dụng cho một vị trí khác tại cùng công ty đó có thể diễn ra sau này, vì vậy tốt nhất là bạn hãy giữ liên lạc với nhà tuyển dụng.
Cách đối phó với việc bị từ chối nhận việc
Đối mặt với sự từ chối công việc có thể sẽ khó khăn hơn đối với những người mới nhập cư vào Canada. Sự ổn định tài chính và sức khỏe tinh thần của bạn có thể sẽ phụ thuộc vào chuyện tìm được công việc phù hợp. Vì bạn chưa quen thuộc với văn hóa và môi trường làm việc của Canada nên việc bị từ chối cũng có thể khiến bạn nghi ngờ về khả năng của mình và làm tăng tỷ lệ mắc “impostor syndrome” (hội chứng kẻ giả mạo).
Bạn cần phải nhớ rằng việc bị từ chối không phải là do thù ghét cá nhân, và chỉ vì bạn không phù hợp với một công việc, không có nghĩa là bạn sẽ không phải là một ứng viên tuyệt vời cho những công việc khác. Dưới đây là một số mẹo để đối phó với việc từ chối khi xin việc ở Canada:
- Tự đánh giá bản thân sau mỗi lần phỏng vấn
Mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để học hỏi và đối mặt các cuộc phỏng vấn sau này một cách tự tin hơn. Tuy nhiên, để xác định những mảng mình cần cải thiện, bạn cần xem xét kỹ càng hơn, trung thực hơn về những phần bạn đã làm chưa tốt trong cuộc phỏng vấn của mình. Bạn có thể đánh giá bản thân ngay sau mỗi cuộc phỏng vấn, bất kể bạn nghĩ rằng kết quả ra sao. Dưới đây là cách bạn có thể thực hiện đánh giá này:
- Ghi lại các câu hỏi bạn đã được hỏi và những điểm chính bạn đã đưa ra cho câu trả lời của mình.
- Suy nghĩ về những điểm quan trọng hoặc những ví dụ bạn nên đưa ra để nhấn mạnh câu trả lời khi phỏng vấn.
- Bạn đã chuẩn bị cho tất cả các câu hỏi chưa?
- Bạn có tự tin trong suốt cuộc phỏng vấn không?
- Bạn có giữ được sự quan tâm của người phỏng vấn không?
- Bạn có đặt cho người phỏng vấn những câu hỏi thông minh vào cuối cuộc phỏng vấn không? Sau đó, bạn có thể sử dụng những kiến thức từ việc đánh giá bản thân để cải thiện những điểm yếu của mình trong các cuộc phỏng vấn sau này.
- Gửi tin nhắn cảm ơn sau khi phỏng vấn
Nếu một người tuyển dụng dành thời gian để thông báo cho bạn rằng bạn không còn được xem xét để ứng tuyển cho vị trí đó nữa (nhiều công ty không làm vậy), hãy gửi lời cảm ơn họ. Một lời cảm ơn không chỉ giúp bạn tỏ ra chuyên nghiệp và lịch sự hơn, mà còn là một cách tốt để duy trì liên lạc. Bạn cũng có thể thêm người quản lý tuyển dụng vào mạng lưới LinkedIn của bạn và giữ liên lạc với họ. Các vị trí mới có thể sẽ được tuyển dụng trong công ty đó, và chỉ vì bạn không được chọn cho một vị trí không có nghĩa là bạn sẽ không phù hợp với một vị trí khác sau này.
- Xin feedback (nhận xét) cụ thể
Ở Canada, hầu hết các email từ chối công việc sẽ không nói chi tiết lý do tại sao bạn không được chọn cho công việc đó. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn không thể hỏi họ. Liên hệ với người quản lý tuyển dụng để nhận feedback là một cách tuyệt vời để hiểu rõ hơn về các điểm yếu của bạn và cách bạn có thể cải thiện hồ sơ hoặc kỹ năng phỏng vấn của mình cho các vị trí khác. Việc đó cũng giúp cho người tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến việc tự cải thiện bản thân và sẽ có thể đem lại lợi thế cho bạn nếu bạn nộp đơn cho một vị trí khác trong công ty đó.
- Đảm bảo bạn đang nộp đơn cho đúng công việc
Nếu bạn đã bị từ chối từ nhiều công việc cùng lĩnh vực, có lẽ đã đến lúc đánh giá xem bạn có đang nộp đơn cho công việc phù hợp hay không. Thị trường việc làm ở Canada khác với ở Việt Nam, cùng một vị trí công việc hoặc cấp độ nhưng có thể yêu cầu một bộ kỹ năng hoàn toàn khác. Một số công việc tại Canada có thể yêu cầu giấy phép hoặc chứng chỉ, vì vậy hãy đảm bảo bạn đọc kỹ các yêu cầu được liệt kê trong những bài post tuyển dụng. Điều này sẽ giúp bạn tìm được những vị trí phù hợp với kỹ năng và thành tích hiện có của bạn.
- Cải thiện kỹ năng phỏng vấn của bạn
Việc bị từ chối chưa chắc là do bạn không phải là một ứng viên phù hợp cho công việc; đôi khi có thể là do kỹ năng phỏng vấn của bạn cần được cải thiện. Không hiếm khi mà những người mới đến cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng trong các cuộc phỏng vấn, và điều đó đôi khi có thể bị coi là bạn thiếu tự tin về năng lực của mình.
Trước mỗi cuộc phỏng vấn, bạn nên nghiên cứu công ty và người phỏng vấn và có thể liên hệ với nhân viên hiện tại để hiểu rõ hơn về văn hóa của công ty. Sau đó, bạn có thể sử dụng những kiến thức này để điều chỉnh cách giới thiệu bản thân và phản hồi đối với các câu hỏi phỏng vấn.
Hãy đảm bảo rằng câu trả lời của bạn tự nhiên và không quá miễn cưỡng. Bạn cũng nên làm quen với phương pháp phỏng vấn STAR (Situation, Task, Action, Result) và đưa ra ví dụ về các thành tích ấn tượng mà bạn muốn chia sẻ trong cuộc phỏng vấn.
- Xác định và khắc phục điểm yếu trong đơn xin việc của bạn
Nếu bạn đã xác định được các kỹ năng hoặc bằng cấp mà nhà tuyển dụng cần có nhưng bạn vẫn còn đang thiếu, hãy tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng mới trước khi nộp đơn cho các công việc tiếp theo. Những lời nhận xét bạn nhận được từ người tuyển dụng cũng có thể giúp bạn xác định điểm yếu hoặc các mảng cần cải thiện trong sơ yếu lý lịch và kỹ năng phỏng vấn của bạn.
5 thói quen tích cực để giúp cải thiện tinh thần sau khi bị từ chối việc làm
Hầu hết mọi người đều trải qua cảm giác bị từ chối xin việc ở một số giai đoạn trong sự nghiệp của mình. Cách bạn đối phó với nó mới là điều quan trọng. Bạn sẽ để cho những email từ chối làm bạn nản chí hay bạn sẽ vượt lên? Dưới đây là một vài cách để duy trì động lực và trau dồi kỹ năng của bạn cho đến khi bạn tìm được công việc mơ ước của mình.
- Suy ngẫm về năng lực của bản thân
Bạn có đang làm nổi bật các kỹ năng và khả năng phù hợp cho những công việc mà bạn đang nộp đơn hay không? Xem xét mô tả công việc và tìm hiểu về văn hóa công ty có thể giúp đảm bảo bạn thể hiện được mình sở hữu các kỹ năng mềm và kỹ năng cứng phù hợp. Bạn cũng có thể dựa vào phản hồi từ người phỏng vấn để đánh giá điểm yếu của mình và sử dụng những hiểu biết này để lấp đầy khoảng trống về kỹ năng. - Chấp nhận cảm xúc của bản thân
Mặc dù bạn không muốn việc bị từ chối làm ảnh hưởng đến mình, điều quan trọng là bạn phải chấp nhận cảm xúc của bản thân. Cố gắng giả vờ rằng mọi việc vẫn ổn khi bạn cảm thấy buồn bã, tuyệt vọng, hay tự trách móc bản thân thì cũng sẽ chẳng có ích gì. Hãy thừa nhận cảm xúc thực sự của bản thân và thông cảm cho chính mình. Hãy đối xử với bản thân như cách bạn sẽ đối xử một người bạn tốt. Bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì cho họ nếu họ ở trong hoàn cảnh của bạn? - Cải thiện cách giới thiệu bản thân (elevator pitch)
Khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, dù là cho một cuộc trò chuyện xã giao hay một cuộc phỏng vấn, bạn phải tự giới thiệu bản thân một cách đàng hoàng. Một lời giới thiệu bản thân là một bản tóm tắt nhanh về bản thân và thương hiệu cá nhân của bạn. Giới thiệu bản thân bằng cách tự tin chia sẻ về kỹ năng và mục tiêu của bạn trước một nhà tuyển dụng tiềm năng là điều mà nhiều người nhập cư gặp khó khăn, và việc cải thiện bài giới thiệu bản thân có thể sẽ giúp bạn nổi bật hơn. Hãy nhớ điều chỉnh lời giới thiệu bản thân của bạn tủy theo vị trí và công ty để giúp nó trở nên ấn tượng hơn. - Nhờ mạng lưới kết nối của bạn giúp đỡ
Bắt đầu lại sự nghiệp của bạn tại một quốc gia mới sẽ mang đến rất nhiều thách thức. Một trong những cách bạn có thể giảm khả năng bị từ chối là nhờ mạng lưới của bạn tại Canada giúp đỡ trong việc tìm kiếm việc làm. Hãy liên hệ với những chuyên gia trong các công ty bạn quan tâm và sau khi bạn đã tạo được kết nối với họ, hãy hỏi xem họ có sẵn sàng để đi cà phê trò chuyện không. Nếu bạn đã nuôi dưỡng một số mối quan hệ trong công việc, hãy hỏi xem họ có sẵn sàng giới thiệu bạn cho các vi trí liên quan trong công ty của họ không. Mạng lưới của bạn cũng có thể biết rõ hơn về các kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng Canada đang tìm kiếm trong ngành của bạn, và có thể đưa ra nhận xét về đơn xin việc của bạn. - Tiếp tục tiến về phía trước
Việc cảm thấy chán nản nếu bạn không được phản hồi hoặc nhận phản hồi tiêu cực từ nhà tuyển dụng mỗi khi bạn gửi sơ yếu lý lịch là điều bình thường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không đủ năng lực hoặc không thể tìm được việc. Mặc dù sự từ chối có thể khiến bạn thiếu tự tin khi nộp đơn xin việc, hãy cố gắng giữ tinh thần tích cực. Đừng quên, ngay cả khi bạn nghe thấy 50 lời từ chối, tất cả những gì bạn cần chỉ là một lời đồng ý để bắt đầu sự nghiệp của mình tại Canada.
Nguồn: arrivein.ca